Ngộ dộc bột ngô mốc tại tỉnh Hà Giang - Nguyên nhân và giải pháp

06.06.2016 15:12

Với người dân vùng cao đặc biệt là dân tộc Mông thì ngô là nguồn lương thực chính và là món ăn truyền. Người Mông thường ăn ngô tẻ dưới dạng chế biến thành mèn mén như xay thành bột thô, trộn nước, đồ 2 lần cho chín kỹ rồi ăn.

Ngộ dộc bột ngô mốc tại tỉnh Hà Giang - Nguyên nhân và giải pháp

Với người dân vùng cao đặc biệt là dân tộc Mông thì ngô là nguồn lương thực chính và là món ăn truyền. Người Mông thường ăn ngô tẻ dưới dạng chế biến thành mèn mén như xay thành bột thô, trộn nước, đồ 2 lần cho chín kỹ rồi ăn. Đặc biệt trong những ngày lễ và Tết Nguyên đán, người Mông thường chế biến bánh ngô( BÁNH TRÔI) từ hạt ngô nếp để ăn. Ngô thuộc nhóm ngũ cốc rất giàu dinh dưỡng, tuy nhiên do quá trình bảo quản, chế biết không đúng cách hoặc để quá lâu ở môi trường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sinh ra nấm mốc ăn vào gây hại tới sức khỏe con người.

 

Quy trình chế biến bánh ngô ở các gia đình như sau: Hạt ngô nếp sau khi xay vỡ được ngâm nước trong thời gian khoảng 15 ngày, sau đó mang đi xay bột nước. Tiếp theo, bột nước được cho vào túi vải hoặc bao tải và treo lên cho ráo hết nước, sau đó bột ướt được làm bánh dưới dạng bánh trôi (nặn bột thành viên to bằng ngón tay cái, cho vào nồi nấu với đường), làm bánh rán, bánh nướng... những ngày đầu ăn bánh ngô từ bột mới làm không thấy bị ngộ độc. Tuy nhiên, do khâu bảo quản không được tốt, nhiều trường hợp bột ngô để lâu ngày đã lên mốc xanh, mốc vàng nhưng người dân vẫn làm bánh ăn nên bị ngộ độc và gây tử vong.

Trong những năm qua, mặc dù tỉnh ta đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân không dùng bột ngô(bị mốc) hoặc để lâu ngày làm bánh trôi ăn, nhưng do tiếc của nên một số gia đình ở vùng sâu, vùng xa vẫn sử dụng và gây ngộ độc dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo thống kê của ngành Y tế từ năm 2006 đến 2014 tại tỉnh ta có 5 huyện xảy ra các vụ ngộ độc ăn bánh ngô bị mốc là: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ và Bắc Mê đã xảy ra 23 vụ, làm 127 người mắc, tử vong 51 người (chiếm 40,1%). Trong đó, huyện Mèo Vạc có số vụ, số người tử vong cao nhất. Ngộ độc bột ngô mốc chiếm tỷ lệ người bị ngộ độc và chết là cao nhất trong các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm tại tỉnh ta.

Ông Nguyễn Như Chưởng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: "Để phòng ngừa triệt để và có hiệu quả tình trạng ngộ độc do bột ngô mốc, trước hết, các cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện và xã, đặc biệt cấp ủy, chính quyền cấp huyện phải tăng cường chỉ đạo quyết liệt đối với các ngành, UBND các xã/phường/thị trấn triển khai ngay các biện pháp cụ thể nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Đối với các huyện đã xảy ra các vụ ngộ độc do ăn bánh ngô bị mốc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức, tiếng dân tộc tại các xóm xã, bản và hộ gia đình cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra phát hiện tiêu huỷ bột ngô, bánh ngô không bảo đảm an toàn. Đồng thời, hướng dẫn cho người dân biết cách sử dụng và bảo quản bột ngô, bánh ngô trong khoảng thời gian từ một đến hai ngày là tốt nhất, không để quá lâu, nếu phát hiện bột ngô, bánh ngô có biểu hiện thay đổi màu thì tuyệt đối không sử dụng".

 Trong thời gian tới với chức năng là cơ quan chuyên môn thường trực của BCĐ Vệ sinh ATTP tỉnh, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm sẽ chủ động tham mưu cho Sở Y tế, BCĐ Vệ sinh ATTP tỉnh và UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác chuyên môn về An toàn thực phẩm cho tuyến huyện, phân công cán bộ phụ trách theo dõi, giám sát các huyện, thành phố. Ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu cho Ban chỉ đạo VSATTP huyện, thành phố ban hành các văn bản triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm. Duy trì Đội tuyên truyền cơ động về VSATTP tuyến huyện, chỉ đạo kiện toàn các Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, phường hoạt động có hiệu quả. Thường xuyên củng cố và kiện toàn đội ngũ Cộng tác viên VSATTP tuyến xã, phường hoạt động có nề nếp. Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP Trạm Y tế xã, phường, thị trấn về công tác quản lý, kỹ năng truyền thông về ATTP tại cơ sở. Giám sát phát hiện và chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền để xử lý cấp cứu các vụ NĐTP xảy ra trên địa bàn và báo cáo kịp thời theo quy định.