Thuốc lá với sức khỏe ở trẻ em

24.08.2016 00:00

Dù đã được cảnh báo và tuyên truyền mạnh mẽ trên tất cả các kênh của phương tiện truyền thông đại chúng, tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá trên thế giới vẫn tăng mạnh qua các năm, đặc biệt là các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 40 nghìn người chết do hút thuốc lá và hơn 33 triệu người bị ảnh hưởng từ khói thuốc lá do hít phải, trong đó có trẻ em. Chính vì thế, bệnh tật mà thuốc lá gây nên cho trẻ emluôn ở mức đáng báo động và là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

Thuốc lá với sức khỏe ở trẻ em

 Khói thuốc lá gây bệnhcho trẻ em như nào?

Thuốc lá gây nên một số bệnh cho trẻ khi trẻ hít phải khói thuốc lá thụ động tức là trẻ trực tiếp hít phải khói thuốc người hút nhả ra. Ngoài ra, chất độc trong khói thuốc có thể bám vào tóc, quần áo của người hút và bám vào các bề mặt đồ đạc trong nhà, bao gồm cả thảm và ghế với thời gian rất lâu sau khi hút xong. Do đó, trẻ có thể hít phải khói thuốc ở những đồ vật này khi chơi, bò, trườn hay ôm ấp người hút thuốc.

 Các bệnh do nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Trẻ em hút thuốc thụ động có nguy cơ lớn bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới như: viêm phế quản và viêm phổi. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc. Thêm vào đó, con của những người hút thuốc bị nặng hơn và thường phải nằm viện lâu hơn 20% thời gian so với con người không hút thuốc.

Ngoài ra trẻ có thể mác bệnh đường hô hấp khác như: Viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, cúm hơn những đứa trẻ không hít phải khói thuốc.

Tỷ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh hen: Người cha hút thuốc và đặc biệt là người mẹ hút thuốc cũng làm tăng tỉ lệ mắc và mức độ nặng của hen. Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn và nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Trên toàn thế giới có khoảng từ 200.000 - 1 triệu trẻ em bị hen đang phải chịu những tác động xấu do cha mẹ chúng hút thuốc.

Viêm tai giữa cấp và mạn tính: Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa không chỉ gây nên gánh nặng về kinh tế mà còn gây điếc cho những cuộc đời còn dài của những đứa trẻ. Điếc khi trẻ còn rất nhỏ rất dễ gây nên câm và không có khả năng học tập.

Ảnh hưởng cơ tim: Hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng lên hệ thống cơ tim của trẻ. Những ảnh hưởng này bao gồm việc hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động và làm tăng nhịp tim từ từ liên tục.

Bệnh đường ruột: Hút thuốc thụ động ở trẻ em gây tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm đường ruột và nguy cơ viêm đại tràng. Những trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc.

Đặc biệt nghiêm trọng, hút thuốc lá thụ động còn có thể khiến trẻ em bị đột tử và làm giảm tốc độ phát triển chức năng phổi của trẻ.

Vậy nên nếu trong nhà có trẻ em thì người hút thuốc đừng bao giờ hút thuốc trong nhà. Và nếu không thể từbỏ thói quen này, hãy cố gắng hút thuốc ở những nơi mà trẻ không bao giờ có mặt ở đó. Tốt hơn hết, người hút thuốc hãy từ bỏ thuốc lá để bảo đảm sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh, đặc biệt để phòng tránh các bệnh do khói thuốc gây ra cho trẻ giúp trẻ em được phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Hồng Mai (soạn)

Ảnh: Nguồn Internet