CẢNH BÁO CÁCH XỬ TRÍ KHÔNG ĐÚNG KHI BỊ RẮN CẮN

19.09.2022 00:00

Ngày 13/9/2022 Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc – Bệnh viện đa khoa khu vực Hoàng Su Phì tiếp nhận bệnh nhân L.S.T (20 tuổi, địa chỉ: xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) trong tình trạng kích thích, la hét, thể trạng mệt mỏi nhiều. Cánh tay trái hoại tử tím, loét trợt, chảy dịch, mùi tanh.

Theo lời người nhà kể lại cách ngày vào viện 5 ngày người bệnh bị rắn cắn (không rõ rắn gì), sau khi bị rắn cắn người nhà dùng dây cuốn chặt cánh tay và ở nhà tự bó thuốc nam được 5 ngày nhưng tình trạng ngày càng nặng thêm được người nhà đưa vào trạm y tế điều trị và được chuyển ngay đến Bệnh viện. 

Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết bệnh nhân được chẩn Shock nhiễm khuẩn/rắn cắn ngày thứ 5. Sau khi người bệnh được điều trị hồi sức tích cực. Đến chiều ngày 14 tháng 9 năm 2022 người bệnh được chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị tiếp.

 

Hình ảnh cánh tay người bệnh bị cuốn chặt bằng dây khi nhân viên y tế bệnh viện đến đón tại trạm y tế xã

Đây là một trường hợp khá đáng tiếc do quan niệm sai lầm của người dân trong xứ trí và điều trị bệnh tại nhà. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị rắn cắn nhưng không đến cơ sở y tế mà tin theo lời mách dùng thuốc nam đắp vào vết cắn và để lại hậu quả nặng nề, thế nhưng dường như những cảnh báo ấy vẫn chưa đủ mạnh bởi vẫn còn rất những trường hợp bị rắn cắn biến chứng nặng chỉ vì tin theo lời mách và tin đồn.

 

Hình ảnh cánh tay người bệnh sau khi được nhân viên y tế tháo dây và đưa đến bệnh viện huyện điều trị tiếp

Các bác sĩ khuyến cáo, sau khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân cần được nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (ví dụ cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời.

 

Ảnh minh hoạ

 

Các bước sơ cứu nên làm là:

(1) Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng;

(2) Không để bệnh nhân tự đi lại;

(3) Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn);

(4) Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường;

(5) Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động;

(6) Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay.

Phà Thị Tâm